Các lưu ý khi xây nhà ở cho người mới

Ban đầu tôi cũng không có ý định viết bài các lưu ý khi xây nhà này, đơn giản bởi vì mình nghĩ rằng xây nhà cũng không quá khó, cũng không có gì đáng phải lưu ý hay chú ý cả. Tuy nhiên sau khi làm nhà cho khách hàng thì tôi mới biết được rằng. Hầu hết họ không có chút kinh nghiệm cũng như các kiến thức cho 1 căn nhà. Chính vì thế việc thợ xây làm đúng hay không đúng, làm đẹp hay không đẹp cũng không biết. Có những trường hợp làm xong rồi tôi xuống kiểm tra mới tá hỏa ra làm quá xấu.

Tuy nhiên chủ nhà lại không am hiểu cũng chưa từng làm nhà, chưa từng tiếp xúc qua nên cũng không biết là xấu hay đẹp. Thế nên tôi mới phải viết một bài viết này để chia sẻ với các bạn kiến thức cũng như kinh nghiệm trong 10 năm qua của mình. Phần nội dung này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn được khi xây nhà chúng ta cần phải chú ý tới những vấn đề gì trong xây dựng. Bài viết này sẽ khá dài nên các bạn cần chịu khó đọc một chút nhé.

Các lưu ý khi xây nhà, lưu ý cho người mới chưa có kinh nghiệm xây nhà cho gia đình
Các lưu ý khi xây nhà, lưu ý cho người mới chưa có kinh nghiệm xây nhà cho gia đình

Các lưu ý khi xây nhà – Công tác chuẩn bị khi chuẩn bị xây nhà

Công tác thiết kế nhà là một trong những công tác nằm trong các lưu ý khi xây nhà. Rất nhiều gia chủ bỏ qua bước này và nghĩ rằng xây nhà mới quan trọng, còn các bước chuẩn bị chỉ là phụ có cũng được mà không có cũng không sao. Tuy nhiên đây là bước rất quan trọng, quyết định kiến trúc ngôi nhà cũng như tránh những phát sinh khi xây nhà. Nếu các bạn chuẩn bị tốt thì tôi nói rằng cả một quá trình đằng sau này khi xây dựng nhà sẽ nhàn đi rất nhiều

Có nên thuê thiết kế nhà không?

Đây là một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, tuy nhiên nếu tôi nói rằng nên thuê thiết kế chắc các bạn cũng chẳng tin. Vì câu này tôi cũng nói với nhiều người rồi, tuy nhiên rất nhiều người bướng bỉnh không nghe. Tuy nhiên đến khi xây dựng xảy ra sự cố hay đang xây rồi có vấn đề lại hỏi tôi. Đôi lúc cũng đành ngậm ngùi trả lời, đôi khi cũng không muốn nghe máy cũng không muốn đọc. Nhưng các bạn cứ tin tôi nên thuê thiết kế, các bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thứ từ bản vẽ của mình và các điều này sẽ được tôi trình bày dưới đây.

Thiết kế sẽ giúp bạn tiết kiệm được phát sinh

Lưu ý khi xây nhà – Khi bạn thuê thiết kế, tất nhiên là phải các đơn vị thiết kế chuyên nghiệp hoặc những người có kinh nghiệm. Chúng ta chỉ bàn tới việc người thiết kế đủ kinh nghiệm, kĩ năng chứ không nói tới những bạn kiến trúc sư còn non trẻ còn nhiều sai xót.

Nghe có vẻ vô lí nhưng sự thật thì không vô lí chút nào cả. Nếu bạn không có thiết kế, cách làm của bạn sẽ là nghe ý kiến của người thân, người xung quanh, thợ xây… Và căn nhà của bạn giống như đẽo cày giữa đường, khi mới lên ý tưởng các bạn không biết được rằng có hợp lí hay không hợp lí? Và khi xây xong mới có thể biết được, xây xong rồi chúng ta không thấy ưng thì các bạn lại đập tường đi xây lại. Khi đập tường thì các bạn mất phần vật liệu xây dựng, mất công đập phá và mất thêm công xây lại đoạn tường đó. Vì đúng theo nguyên tắc chủ thầu sẽ làm việc với bạn trên bản vẽ đã thống nhất, nếu bạn thay đổi rõ ràng người ta phải thêm công để làm việc đó cho bạn. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tôi kể cho các bạn nghe thôi. Có nhiều trường hợp còn phải thay đổi kết cấu, cấu tạo, thợ không có kinh nghiệm làm sai cấu tạo của mái sảnh, mái bê tông và phải cắt bỏ để đổ lại. Có trường hợp xây nhà xong nhưng không ưng ý muốn làm lại mặt tiền thì chi phí phát sinh ra còn gấp nhiều lần so vơi chi phí các bạn thiết kế. Thế nên giá bạn thuê thiết kế tôi nghĩ rằng rất xứng đáng với những phần chi phí phát sinh mà tôi kể trên.

Tôi hi vọng rằng với những chia sẻ của tôi ở trên sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi có nên thuê thiết kế hay không? Tất cả là sẽ phụ thuộc vào bạn, nếu bạn có khó khăn hay thắc mắc gì có thể liên hệ với tôi để được tư vấn thêm nhé.

Bố cục hợp lí bởi các kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm

Theo thói quen, nhất là ở vùng nông thôn thì gia chủ thường xây nhà theo kinh nghiệm tự tích lũy. Tuy nhiên sau khi xây xong nhiều trường hợp rất bất cập về nhà ở và sửa chữa tốn nhiều chi phí. Điều này sẽ không xảy ra khi bạn thuê một đơn vị thiết kế với nhiều năm trong nghề bởi họ sở hữu những kiến trúc sư đầy kinh nghiệm và thường xuyên được nâng cao trình độ theo sự phát triển toàn cầu.

Sắp xếp không gian bố cục tối ưu nhất, tiết kiệm diện tích nhất

Bản vẽ thiết kế bạn nhận được sẽ miêu tả chi tiết cụ thể về hình dáng, kích thước cũng như bố trí hợp lí các phòng công năng khác nhau trong nhà để phục vụ thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Nhất là đối với những không gian nhỏ hẹp thì bản vẽ thiết kế sẽ bố trí sắp xếp chúng theo bố cục tối ưu nhất.

Các thông số đầy đủ, thợ sẽ không cần phải hỏi thêm chủ nhà

Lên tới 100 – 200 trang giấy, 1 bản hồ sơ thiết kế đã có đầy đủ và chi tiết tất cả các bộ phận trong công trình, đầy đủ về cấu tạo, kích thước, chi tiết vật liệu và các thông số kĩ thuật để có thể thi công chính xác nhất. Dù không thuê các đơn vị thi công trọn gói thì bạn hoàn toàn có thể đưa cho thợ ở địa phương cũng dễ dàng xây lên một ngôi nhà hoàn hảo với các công năng hợp lý.

Chi tiết cấu tạo khoa học, có cơ sở, không lo nứt mái

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nứt mái như tác động của cốt thép ứng lực trước lên bê tông, do mức độ đầm vữa bê tông kém, chưng hấp bê tông không đều, do chế độ bảo dưỡng bê tông không đảm bảo… hơn hết là do không tính toán cẩn thận dựa trên cơ sở kỹ thuật mà chỉ làm dựa theo kinh nghiệm bản thân. Một bản vẽ thiết kế đã có đầy đủ các thông số về cấu tạo khoa học dựa trên cơ sở nghiên cứu theo tiêu chuẩn thế giới nên hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.

Lưu ý khi xây nhà – Cách tính nhân công xây dựng

Trong trường hợp cách tính nhân công xây dựng có rất nhiều vấn đề, nếu chúng ta không tính ra được hay không biết cách tính như thế nào thì đây thực sự là một ẩn số cực kì lớn. Có thể sau khi đo khối lượng hoàn thiện các bạn sẽ bị phát sinh rất nhiều. Có những gia đình khi xây xong nhà phát sinh nhân công tăng gấp đôi.

Nhưng biết làm sao được khi hợp đồng đã kí mà bạn lại rất mù mờ trong cách tính giá, cách đo phần khối lượng tính thế này. Đây cũng là một trong các trường hợp mà khách hàng của nhà đẹp đã gặp rất nhiều. Vì thế nếu các bạn xây nhà các bạn có thể trao đổi với các công ty thiết kế để nhận được sự tư vấn có chuyên môn của thiết kế nhé. Các bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết được tôi chia sẻ về cách tính nhân công xây dựng để biết thêm thông tin: Cách tính nhân công xây dựng

Công tác chuẩn bị vật tư là một phần quan trọng trong lưu ý khi xây nhà

Sau khi có bản vẽ, các bạn sẽ tìm các nhà thầu thi công để làm hợp đồng, định ngày xây dựng. Bước tiếp theo chúng ta sẽ gặp đại lí cung cấp vật tư để làm hợp đồng. Có một danh sách các câu hỏi bạn phải tự đặt ra trong vấn đề vật tư vật liệu này tùy theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Và khâu chuẩn bị vật tư này sẽ rất quan trọng và sẽ giúp nhà bạn không phải phát sinh thêm quá nhiều chi phí. Nếu nói về xây thô thì hầu nhu không phát sinh nhiều, nhưng phần quan trọng nhất chính là khâu hoàn thiện. Nếu mỗi một thứ các bạn đều sử dụng vật liệu tốt hơn so với dự liệu thì việc xây nhà xong phát sinh lên một con số không ngờ là điều rất hiển nhiên. Nếu các bạn cần tham khảo chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn bảng quy cách vật tư chúng tôi thường sử dụng và khi bạn thi công chúng ta có thể sử dụng để áp vào căn nhà của mình sẽ tránh được phát sinh nhiều thứ không cần thiết.

Chúng tôi xin đưa ra một số câu hỏi căn bản và quan trọng nhất:

  • Bạn muốn sử dụng vật liệu gì cho ngôi nhà?
  • Nhập vật tư tại địa phương hay phải nhập từ nơi khác?
  • Chi phí cho vật tư là bao nhiêu?
  • Ngân sách có đủ cho số lượng vật tư bạn cần?
  • Các vật tư thay thế nếu giá thành vật tư bạn muốn quá đắt.

Việc lựa chọn vật tư vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định mức độ hoàn thiện của công trình, vì vậy bạn cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn tốt các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu xây dựng uy tín, có thương hiệu. Nên chuẩn bị mua trước một nửa vật tư cần thiết và tìm hiểu sâu về đặc tính của từng loại nguyên vật liệu phù hợp với công trình của mình.

Một điều quan trọng hơn cả chính là bạn nên chọn lựa vật liệu xây dựng theo hồ sơ thiết kế. Khi các đơn vị thiết kế đã tư vấn cho bạn về vật liệu thi công thì chắc chắn đó sẽ là những vật liệu cần thiết và phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của gia đình. Các công việc này dựa trên sự tính toán kỹ càng nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm

Cần lưu ý về người tư vấn giám sát khi xây nhà

Nếu bạn không có thời gian hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc giám sát thì thuê một người giám sát tư vấn xây dựng là điều cần thiết. Không chỉ quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các sai phạm ngay lập tức thì họ còn có thể hạn chế và sửa đổi ngay các bất cập trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên nếu không muốn thuê giám sát toàn bộ quá trình thì bạn nên tìm người giám sát 2 công đoạn quan trọng dưới đây.

  • Giám sát các giai đoạn làm sắt như móng, làm mái: Đây là 2 công đoạn quyết định tuổi thọ của cả ngôi nhà nên việc làm sắt như móng, làm mái cần có sự giám sát cẩn thận, thường xuyên và chặt chẽ.
  • Kiểm tra sắt thép có làm đúng theo thiết kế, tim cốt chuẩn: Công việc này đảm bảo sắt thép phải đúng chủng loại, sạch sẽ không dính bùn đất dầu mỡ. Ngoài ra phải đảm bảo gia công theo đúng kích thước như thiết kế, đúng vị trí trong suốt quá trình đổ bê tông cũng như cốt thép tạo thành khung kết cấu cốt thép theo bản thiết kế.

Các lưu ý trong quá trình xây nhà – Phần xây thô

Rất nhiều vấn đề cần lưu ý trong quá trình xây, thông thường là thợ xây biết hoặc không biết. Nếu không biết thì tôi cũng không nói làm gì nhưng nếu biết mà cố ý làm sai thì thường là cố tình làm để giảm bớt cắt xén nhân công thi công. Trong phần này chúng ta sẽ chia làm 3 phần chính như sau:

  • Phần móng nhà
  • Phần thân nhà
  • Phần mái

Các lưu ý trong quá trình làm móng

Lưu ý khi đào móng nhà

Để thực hiện việc đào móng thì trước tiên cần khảo sát địa hình, nhất định phải chọn đúng loại móng nhà và độ sâu phù hợp nhất tùy theo từng loại kiến trúc. Ví dụ như nhà cấp 4 loại móng sẽ khác với nhà phố 2 tầng. Hoặc địa hình đất đồi sẽ khác địa hình đất đồng bằng. Đây là yếu tố giúp ngôi nhà bạn kiên cố và vững chắc vì vậy cần khảo sát kỹ địa hình và thổ nhưỡng, đồng thời tính toán áp lực mà phần đất nền phải chịu đựng để tránh hiện tượng sụt lún. Khi đào móng các bạn cũng đừng đào quá sâu và quá rộng để tránh việc làm lãng phí vật tư.

Nếu bạn đào móng quá rộng: Bạn sẽ phải mất thêm chi phí lấp móng, chi phí đổ cát nền lấp chân móng và lấp móng. Có những nơi chi phí cát lập móng rất cao có thể bằng nửa hoặc chiếm gần bằng với chi phí làm móng của nhà bạn.

Nếu bạn đào móng quá sâu: Đào móng sâu bạn sẽ phải tốn thêm nhân công xây dựng móng, thêm vật tư xây móng lên tới cốt không? Thông thường nếu nền đất cứng chúng ta chỉ cần đào đủ cho phần móng âm xuống nền đất là được, không cần phải đào quá sâu tránh lãng phí.

Lưu ý khi làm lót móng

Phần lót móng hay còn gọi là bê tông lót móng. Nhiều nơi thường dùng gạch vỡ, đá dăm lót móng… để thay thế, tuy nhiên bê tông lót móng sẽ đem lại chất lượng tốt nhất cho công trình của bạn, nó hạn chết sự sụt lún cũng như tạo được sự ổn định tối đa cho nền móng.

Bê tông lót móng chính là để tạo bề mặt, mặt phẳng để các bạn ghép cốt pha và làm sắt móng. Tuy nhiên lót móng khá quan trọng, nếu bạn chỉ xếp gạch và đổ bê tông thì khi đổ bê tông các thành phần nước và nước xi măng sẽ chảy xuống các khe gạch làm giảm mác của bê tông. Ngoài ra bê tông sẽ không đủ nước để đảm bảo đủ thời gian ninh kết, thời gian thủy phân của bê tông móng. Như vậy sẽ làm giảm chất lượng bê tông, cũng như chất lượng của công trình. Nếu bạn lót móng bằng gạch chúng ta nên trát các mạch vữa thật kín để tránh việc mất nước của bê tông nhé. Tốt nhất vẫn là đổ bê tông móng mác 100 bằng đá 3,4 là tốt nhất.

Có một điều nữa là khi làm lót móng nếu các bạn làm lót móng không phẳng thì rõ ràng phần khung thép cũng như phần tường các bạn xây cũng chạy theo không thẳng. Như vậy thì lên phần thân nhà các bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa hơn rất nhiều.

Lưu ý khi làm sắt thép móng, mái và cột

Sắt thép là cực kì quan trọng cho căn nhà, nó chính là xương sống, bộ khung cứng chịu lực chính. Có rất nhiều nơi thợ cắt bớt các công đoạn làm sắt và làm thép với lí do khó làm và dựa vào kinh nghiệm. Tuy nhiên nếu các bạn có thể cắt bớt được vài công thợ nhưng các bạn không hiểu rằng tuổi thọ của căn nhà đó sẽ giảm tương ứng với lượng công của bạn cắt giảm.

Sắt thép chính là xương sống cho ngôi nhà của bạn, muốn ngôi nhà bền vững thì cần phải làm đúng kỹ thuật và không xảy ra những sai sót ngoài ý muốn. Khi thi công sắt thép cần lưu ý đảm bảo toàn bộ bề mặt sắt thép phải sạch sẽ, không dính bùn đất cũng như dầu mỡ, han gỉ. Các thanh thép không bị bẹp, phần cốt thép phải được kéo xuống và nắn, uốn thẳng để đảm bảo đúng quy trình.

Phải đảm bảo đúng hình dạng, kích thước, bề dày của cốt thép sau khi gia công và lắp dựng cốt thép sàn. Trước khi tiến hành sử dụng phải xuất trình được chứng chỉ xuất xưởng của thép để chắc chắn thép đạt tiêu chuẩn cơ bản. Trước khi tiến hành thi công bạn cần kiểm tra lại toàn bộ lượng sắt thép.

Lưu ý khi làm ván khuôn bê tông

Đóng ván khuôn cốt pha to hơn thiết kế: Vấn đề làm ván khuôn sẽ dẫn tới tình trạng làm phát sinh thêm chi phí đổ bê tông. Ván khuôn làm rộng hơn và to hơn so với thiết kế sẽ làm bạn phải tôn thêm nguyên vật liệu để đổ móng

Kê kích ván khuôn không chắc chắn: Nếu kê và chèn không chắc thì khi đổ bê tông sẽ dễ bị bung, đây cũng là trường hợp tôi cũng đã gặp rồi nhé.

Xây gạch làm ván khuôn thay cốt pha: Đây là một hiện tượng đang được nhà thầu gợi ý cho chủ nhà làm rất nhiều. Tất nhiên nếu các bạn xây thì chắc chắn nhưng các bạn lại phải tốn thêm tiền gạch xây, tốn thêm xi măng cát đá. Trong khi đó làm ván khuôn bằng cốt pha thì bạn sẽ không phải mất thêm gì cả vì cốt pha đã được tính vào trong nhân công rồi.

Lưu ý khi đổ bê tông tươi hoặc bê tông trộn tại chỗ

Nên chọn bê tông tươi hay bê tông trộn tại chỗ tôi cũng đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này. Nếu các bạn quan tâm về việc lựa chọn 1 trong 2 loại bê tông này các bạn có thể tham khảo tại bài viết: Có nên sử dụng bê tông tươi

Khi đổ bê tông trộn tại chỗ thường thì thành phần của bê tông sẽ không đều, bê tông không đạt được độ sụt, đủ thành phần như bê tông tươi. Lí do chính là trong quá trình đổ người ta thường đo bằng tay mà không cứ sự cân đo đong đếm bằng định lượng. Hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm

Quá trình đổ bê tông trộn tại chỗ
Quá trình đổ bê tông trộn tại chỗ trong các lưu ý khi xây nhà ở cho người mới

Có thể nói giai đoạn đổ bê tông là lúc dễ xảy ra các sự cố về mặt an toàn lao động nhất nên cần vô cùng cẩn thận. Bạn cần kiểm tra hàng loạt các công tác như hố móng, đường thao tác từ điạ điểm trộn đến địa điểm đổ bê tông, các dụng cụ đựng như xô, thúng, đầm và gạt mặt. Khi dùng ván (dày ít nhất 4cm, không mục) để bắc cầu lên xuống, phải đóng gỗ ngang làm bậc, tuyệt đối không để phẳng lỳ, việc đó rất nguy hiểm khi tải bê tông nặng.

Khi đổ bê tông, tuyệt đối không ngồi trên hai mép cốt pha, khi đầm thì phải đứng trên giáo để làm việc. Lưu ý khi đang đổ bê tông thì phải cấm người qua lại ở phía dưới. Khi làm việc với máy trộn không được dùng tay hay xẻng để lấy bê tông trong lúc máy vận hành chỉ có người công nhân chuyên môn mới được vận hành máy.

Do đặc tính nên vữa bê tông có khuynh hướng chảy ra xung quanh khu vực cào để trơ lại cốt liệu đá, cát, do đó càng đổ gần vị trí thực tế của nó càng tốt, điều này giúp tránh được sự phân tầng. Cách tốt nhất khi đổ bê tông là đổ theo từng lớp theo phương ngang, mỗi lớp được đầm nên kỹ trước khi đổ lớp trên chứ không được để thợ thi công đổ cụm bê tông lại một chỗ rồi dùng xẻng cào rộng. Trong trường hợp hộp cốp pha hẹp và nhiều cốt thép cần đổ các lớp bê tông mỏng, đổ liên tục trước khi lớp dưới bắt đầu đông cứng.

Lưu ý khi xây nhà lúc lấp đất chân móng

Lấp chân móng chúng ta chỉ cần lưu ý một vấn đề chính là nếu bạn lấp bằng đất thì cần phải đầm bằng đầm. Nếu các bạn đổ móng cao thì cần phải chia ra để đầm nhiều lớp để cho lớp nền chặt hơn. Còn nếu đổ bằng cát chúng ta không cần phải đầm nhiều lượt mà chỉ cần bơm no nước là được rồi.

Xây tường móng nhà

Tường móng các bạn thường xây bằng gạch đặc, ít người làm bằng gạch lỗ với lí do để chống thấm. Đối với nhà làm bằng kết cấu bê tông cốt thép thì gạch chỉ có tác dụng che chắn mà thôi. Đối với nhà làm tường chịu lực thì chúng ta cần phải xây toàn bộ bằng gạch đặc.

Lấp đất khi xây tường móng xong, cần đầm

Khi các bạn đã xây lên cốt 0 thì chúng ta cần phải chú ý tới phần lấp đất nền, công tác lấp đất nền cần phải được tươi nước và đầm kĩ như phần trên tôi đã giới thiệu. Ngoài các chú ý đó các bạn cần lấp để tạo mặt phẳng làm việc sẽ giúp thời gian làm việc của các bạn rút ngắn đi. Ngoài ra lớp đất đầm cần chắc chắn để kê các cây chống cốt pha mái, có trường hợp cây chống không tốt tạo nên độ võng cho mái. Có trường hợp mái bê tông còn sụp đổ gây tới tai nạn chết người. Vì thế các bạn nên làm cẩn thận một chút còn hơn là chúng ta làm ẩu để tránh tới những hậu quả không lường được.

Quá trình đổ khung cột nhà

Trước khi đổ khung cột nhà chúng ta cần phải kiểm tra lại tim cột cho chuẩn để đổ. Đối với một người có kinh nghiệm thì đây là một công việc không thể tránh được. Vì sao lại phải kiểm tra tim cốt lần nữa vì nếu ở móng các bạn làm sai thì lên trên chúng ta cần phải chỉnh lại để tránh méo tường méo cột. Nhất là phần sắt khi làm ở móng cột không chuẩn thì lên trên sẽ bị cong và mất tác dụng của khung cột chính là truyền lực.

Tim cột không chuẩn trong xây dựng
Tim cột không chuẩn trong xây dựng

Trên đây là ảnh minh họa mà tôi được khách hàng gửi cho, các bạn có thể nhìn thấy kết quả của việc tim cột không chuẩn và dẫn tới việc dầm móng cũng không chuẩn theo. Đối với trường hợp này sẽ rất khó để có thể sửa được. Tất nhiên sửa thì vẫn sửa được nhưng sẽ tốn kém mà thôi. Ngoài ra chúng ta làm không đúng theo thiết kế còn dẫn tới tình trạng không đảm bảo kết cấu, như vài trường hợp phần sắt không có đủ lớp bê tông 1.5-2cm để bảo vệ sẽ dẫn tới tình trạng sắt đó nhanh han gỉ và hỏng.

Quá trình đổ khung cột nhà bắt đầu sau khi kết thúc phần nền móng. Có thể hiểu khung nhà là toàn bộ hệ thống khung kết cấu bê tông cốt thép. Quá trình đổ khung cột nhà đi theo 6 bước như sau:

  1. Bước 1: Xác định đúng trục cột, tim cột và vị trí cột.
  2. Bước 2: Tiến hành lắp ráp và dựng cốt thép.
  3. Bước 3: Lắp dựng ván khuôn cột cốp pha.
  4. Bước 4: Thực hiện đổ bê tông cho cột.
  5. Bước 5: Tháo dỡ cốp pha và bảo dưỡng cột.
  6. Bước 6: Thực hiện trang trí cột theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Một số lưu ý khi thực hiện các quy trình đổ khung cột nhà mà bạn cần phải biết:

  • Lắp ráp và dựng cốt thép phải theo đúng chỉ định của bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép. Tim cột rất quan trọng nếu bạn làm sai thì cả phần tường và phòng trong sẽ bị méo, lệch. Đây là trường hợp mà chúng tôi
  • Khi lắp ráp cần lưu ý tránh dẫm lên thép làm xô lệch và giảm sức chịu tải của thép. Để tránh làm xô lệch thép đan thì nên có các cầu thép đặt lên trên kết cấu khi tiến hành đổ bê tông.
  • Khi dựng cốp pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, tuyệt đối không lựa chọn các loại gỗ kém chất lượng bởi chúng dễ bị bục vỡ trong quá trình đổ bê tông.
  • Việc tháo dỡ cốt pha cần chú ý thời gian ngưng kết đủ ngày. Thời gian nhanh nhất phải lên tới 7 ngày nếu có sử dụng phụ gia đông kết R7, như vậy bê tông mới đạt cường độ và có thể tháo dỡ. Thông thường nếu chúng ta dùng R7 lời khuyên cho các bạn nên để khoảng 10-15 ngày hãy dỡ cốt pha nhé.

Quá trình xây tường bao, tường ngăn

Mặc dù bộ phận chịu lực chính là khung bô tông cốt thép nhưng tường bao, tường ngăn lại chính là bộ mặt của ngôi nhà. Khi xây đúng quy trình quy chuẩn sẽ giúp các bức tường thêm vững chắc, chống thấm tốt và nhất là hạn chế việc nứt tường sau này. Quá trình xây tường bao được biết đến như sau:

  • Đối với phần liên kết giữa tường và gạch xây chúng ta cần phải quét hồ dầu để đảm bảo liên kết. Nếu có điều kiện các bạn có thể ngâm gạch trong nước hoặc bơm nước để khi xây sẽ không hút nước của vữa xây tạo liên kết tốt hơn.
  • Xây một lớp để kiểm tra tim cốt, trải vữa liên tục để xây hàng kế tiếp cho đến cốt lanh tô thì dừng lại để chờ lắp lanh tô.
  • Xây từ dưới lên trên, xây tường bao trước rồi mới xây tường ngăn sau. Có 2 cách xây là 3 dọc 1 ngang hoặc 5 dọc 1 ngang để cho tường thêm khỏe.
  • Để đảm bảo cho tường thẳng và phẳng thì trong quá trình xây phải giăng dây nhợ và thường xuyên thả quả dọi.
  • Khi xây chú ý chừa những lỗ trốn trên tường để lắp dựng cửa, lam gió, đường điện … sau này.
  • Xây tường liên tục cao khoảng 1,5m thì dừng lại qua xây vị trí khác để tường có thời gian khô rồi xây tiếp. Khi xây tường cao quá cao sẽ làm yếu nên dễ bị đổ hoặc có thể bị cong vênh.
  • Sau khi khối vừa xây xong thì hạn chế các lực va chạm để tường đạt cường độ từ từ.
  • Lưu ý: Tường xây xong cần bảo dưỡng tưới nước liên tục trong vòng 4 ngày để vữa xây có đủ nước xảy ra quá trình thủy hóa xi măng liên kết tốt hơn với gạch.

Làm cốt pha, làm sắt và đổ mái

Phần sắt, cốt pha và đổ mái này rất quan trọng cũng giống như phần móng vậy. Nếu phía trên mái nhà bạn có mái che chắn thì chúng ta còn yên tâm chút còn nếu không có mái thì cần chú ý nhiều hơn. Yêu cầu đối với phần này là tim cốt của cốt pha chuẩn theo thiết kế, sắt thép làm đúng thiết kế để đảm bảo kết cấu mái cho căn nhà.

Tránh trường hợp đổ mái với khoảng thời gian khác nhau do tính toán vật tư thiếu. Tôi cũng đã gặp 1 trường hợp do tính toán vật tư xây dựng bị thiếu cát, đá, xi măng và gọi vật liệu đến muộn mất 1 tiếng. Sau khi vật tư chuyển đến thì lại đổ tiếp và phần tiếp giáp giữa 2 phần bê tông đổ trước và đổ sau đó không liền mạch dẫn tới tình trạng bị thấm.

Nếu có điều kiện chúng ta có thể thuê các đơn vị tư vấn thiết kế về giám sát để kiểm tra sắt thép có đúng với thiết kế không nhé.

Các lưu ý khi làm cốt pha đổ mái

  • Chú ý cột chống phải nhiều, đảm bảo chống đỡ tốt phần mái, các thanh chống phải to khỏe và thẳng. Ngay xã tôi có một trường hợp đổ mái cho trường học, đang đổ thì bị sụt cho chống quá thưa và quá ít. Rất may là không ảnh hưởng tới tính mạng của con người. Vì thế nếu các bạn làm chúng ta cũng đừng tiếc rẻ những thứ này kẻo ảnh hưởng tới tính mạng của con người thì việc hơn đó không bù được cái đã mất.
  • Trong phần lấp móng tôi cũng có nói rằng các bạn phải đầm móng thật chặt có liên quan tới phần chống cốt pha này. Nếu nền các bạn đầm không đủ chặt sẽ dẫn tới tình trạng các cây chống không chống đỡ tốt phần mái. Như một mẫu biệt thự 1 tầng tôi thiết kế cho chủ nhà tại Tiền Hải Thái Bình, sau khi đổ mái xong mái đã bị võng mất 5cm. Hiện tại chủ nhà đã quyết định cho đội thợ xây đó nghỉ để đổi thợ khác làm cho chuẩn hơn.
  • Sau khi làm xong phần cốt pha các bạn cần chú ý tới giải bạt, ngày xưa khi không có bạt chúng ta thường hay trải bằng cót nhưng nếu trải bằng cót thì sẽ khó làm hơn và chi phí lại cao hơn. Tuy nhiên khi các bạn trải bằng cót thì trát trần lại rất dễ vì rất bám. Còn nếu trải bằng bạt thì cần chú ý phần mặt bạt đừng trải phần bóng tiếp xúc với phần bê tông. Bởi vì nếu trải phần bóng tiếp xúc bê tông khi dỡ cốt pha phần bê tông cốt thép có lớp bóng ở bề mặt nên khi trát trần các bạn sẽ khó làm. Rất có thể trát trần sẽ bị nứt hoặc bị rơi rụng.

Các lưu ý khi đổ mái bê tông

Có lẽ phần bê tông tôi cũng đã trao đổi khá nhiều ở phần móng, khi đổ mái các bạn chỉ cần lưu ý một vài điểm mà thôi.

  • Đổ bê tông cần phải liên tục, không được gián đoạn, thế nên khi tính toán vật tư chúng ta nên tính toán dư ra một chút. Để chắc chắn nhất các bạn tính dư ra theo hệ số 1.1, phần bê tông thừa chúng ta có thể tận dụng vào việc khác.
  • Sau khi đổ bê tông xong cần phải bảo dưỡng bê tông liên tục bằng cách bơm nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho bê tông. Phần giữ nước này sẽ đảm bảo cho bê tông đủ độ ẩm, không bị nứt và đảm bảo được quá trình thủy phân của bê tông.
  • Có thể trải một lớp ni lông lên bề mặt mái và sau đó các bạn bơm nước dưới lớp bê tông. Trải ni lông là để tránh cho nước bay hơi đi mà thôi, thực ra ni lông chỉ làm giảm được một phần thôi chứ không thể tránh hết được.

Sau khi đổ mái xong các bạn đã làm tới phần thô của công trình, vì bài viết quá dài tôi sợ các bạn không đọc được vì thế tôi xin chuyển phần hoàn thiện của nhà sang bài tiếp theo. Các bạn có thể theo dõi thêm ở bài viết tiếp theo nhé. Các bạn có khó khăn gì có thể để lại bình luận trên bài viết để được chúng tôi tư vấn cụ thể hơn nhé.

Các lưu ý khi xây nhà phần hoàn thiện

Chắc hẳn các bạn đã đọc phần I của bài viết này rồi phải không? Vì bài viết quá dài sợ các bạn không đủ kiên nhẫn để đọc nên mình mới viết sang phần II. Nếu các bạn chưa đọc cũng không sao các bạn có thể xem các lưu ý tại: Các lưu ý khi xây nhà ở cho người mới Phần I

Trong phần I mình đã chia sẻ các lưu ý khi xây nhà từ phần móng cho tới phần đổ mái. Các bạn cứ tạm gọi là phần thô của căn nhà, trong phần II này sẽ trình bày các lưu ý cho bạn trong phần hoàn thiện của căn nhà nhé. Đây là một phần rất quan trọng với lí do chính là nó sẽ quyết định tới việc căn nhà của bạn có đẹp hay không đẹp

Phần này cũng có khá nhiều vấn đề để giải quyết chúng ta hãy đi từ từ theo hướng các công đoạn nào làm trước tôi sẽ viết trước nhé. Trong phần hoàn thiện nhà thì phần lựa chọn vật liệu là quan trọng nhất. Vật liệu hoàn thiện sẽ đảm bảo độ chất của căn nhà. Và đây sẽ là phần mà quyết định tới giá thành thi công của căn nhà. Các bạn hãy cùng Nhà đẹp tham khảo qua các phần hoàn thiện cho căn nhà bạn nhé.

Các lưu ý khi trát tường bao, trát tường trong

Đối với tường bao chúng ta thường xây tường 220 để chống thấm và tường ngăn chỉ cần làm tường 110 mà thôi. Tuy nhiên có nhà tường bao xây 110 thì chúng ta cần phải lưu ý làm chống thấm để tránh sau này bị thấm nhé.

Khi trát bên ngoài các bạn nên trát vữa mác thấp để chống thấm với lí do nếu các bạn trát hay màu bằng mác quá cao như mác 150 thì thành phần xi măng rất nhiều nên khi thay đổi thời tiết đột ngột sẽ dẫn tới tình trạng nứt chân chim và nước mưa có thể thấm vào bên trong. Vì thế lời khuyên cho các bạn là chúng ta chỉ trát bên ngoài với mác 50 hoặc mác 75 mà thôi. Bên trong các bạn có thể trát bằng mác cao 100 hay 150 đều được.

Nếu có điều kiện các bạn có thể quét một lớp xi măng ở tường xây trước khi trát, quét xi măng sẽ là một lớp màng chống thấm của nhà và cũng tăng độ bám dính với vữa trát

Trước khi trát tường cần phải bơm nước để đảm bảo tường no đủ nước không rút nước của vữa trát sẽ tăng khả năng bám dính của lớp vữa với tường xây.

Khi trát tường cần chú ý đóng lưới thép các điểm giao giữa bê tông và tường để đảm bảo không bị nứt. Đối với các góc tường cần phải đóng cả trong và cả ngoài thì mới có thể đảm bảo.

Các lưu ý khi trát trần, trát tường

Trong phần I tôi cũng có nói sơ qua về vấn đề này là lót bằng bạt hay lót bằng cót. Có nhiều trường hợp khi trát xong bị nứt mái đó không phải nứt do cấu tạo mà do lớp trát trần không đảm bảo bị võng dẫn tới bị nứt. Gần đây nhất tôi cũng đã thiết kế cho 1 khách hàng tại Thái Thụy Thái Bình cũng gặp trường hợp này. Khi trát xong trần cho một căn biệt thự 2 tầng mái thái thì thấy chủ nhà thông báo trần bị nứt. Đây là một công tác rất quan trọng, cần lưu ý khi xây nhà dành cho những người mới xây nhầ lần đầu. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nhà mới làm không thể ảnh hưởng tới phần móng được vì móng làm bằng móng cọc rất kiên cố. Thế nên yêu cầu thợ róc hết lớp vữa ra, khi vừa róc thì cả mảng trần đều bị rơi xuống. Có trường hợp tôi được kể lại ở bên Vĩnh Bảo Hải Phòng khi gia chủ mời tân gia, khách khứa đang ngồi ăn thì một tấm trang trí bằng thạch cao rơi xuống đầu khách và phải đi viện. Đây là những biến cố mà không ai muốn và cũng ít gặp tuy nhiên nếu gặp phải thợ không có nhiều kinh nghiệm thì rất có thể nhà bạn sẽ gặp phải. Vậy làm thế nào để tránh được những trường hợp này, các bạn hãy cùng tham khảo các lưu ý tôi đề xuất như sau:

  • Trước hết hãy kiểm tra trần sau khi đổ bê tông, nếu đổ quá phẳng thì chúng ta cần phải có biện pháp bắn gai trên trần tạo liên kết với vữa. Biện pháp bắn gai này là chúng ta chộn cát với xi măng với một tỉ lệ nhất định và vẩy lên trên trần để tạo bề mặt nhám. Sau khi lớp gai trần khô cứng chúng ta mới bắt đầu trát.
  • Trát một lớp hồ dầu lên trần để liên kết bê tông với vữa màu
  • Có nhiều người đề xuất thêm tạo nhám bề mặt trần bê tông bằng phương pháp khứa
  • Trước khi trát cần phải bơm nước giống như các bạn xây tường vậy.
  • Hoặc các bạn có thể làm bằng biện pháp đục nhám, dùng đục và tạo bề mặt sần sùi cho phần mái.

Các lưu ý khi ốp tường và lát nền

  • Để có thể ốp được đẹp các bạn cần phải mua gạch không quá xấu, gạch xấu tức là gạch không phẳng nên khi ốp hay lát sẽ tạo ra bề mặt không phẳng
  • Tạo lớp cán nền chuẩn, nếu bạn cán nền không chuẩn thì khi ốp lát lên sẽ tạo nên một bề mặt không phẳng có thể bị nghiêng
  • Ốp mạch vữa phải đầy, sau khi ốp lát xong chúng ta có thể gõ lại kiểm tra xem viên nào chưa có mạch vữa đầy thì lát lại. Đối với 1 viên gạch chúng ta chỉ cần gõ 4 góc và ở giữa một cái và dựa vào âm thanh các bạn sẽ phát hiện ra được viên nào chưa đầy vữa.
  • Trước khi ốp cần phải ngâm gạch vào thùng nước
  • Sử dụng bay răng cưa hay còn gọi là răng lược để ốp sẽ đảm bảo vữa đầy mạch.
  • Không nên sử dụng nhựa ken mạch vì sẽ tạo ra khe khá to, các bạn cứ ốp khít là được, kĩ thuật ốp khít mạch mà đều sẽ khó hơn là dùng nhựa ken mạch.

Chọn sơn và sơn tường

Nếu bạn lựa chọn sơn nhà như trên tôi đã nói nếu các bạn xây tường bao bằng tường 110 thì chúng ta cần phải sơn chống thấm.

Lựa chọn sơn là một điều cực kì quan trọng, tuổi thọ của sơn chính hãng sẽ có tuổi thọ khoảng 5-7 năm, còn nếu sơn tốt có tuổi thọ khoảng 7-9 năm. Tức là nếu bạn sơn chính hãng thì trong khoảng vài năm đầu tiên sau khi sơn thì màu sắc của căn nhà của bạn vẫn tươi mới và vẫn đẹp. Còn nếu bạn lựa chọn phải sơn cỏ hay sơn giả thì tuổi thọ sơn chỉ khoảng 1-2 năm mà thôi. Để tìm hiểu thêm về sơn các bạn có thể xem tại đây: Chia sẻ kinh nghiệm sơn nhà, nên chọn loại sơn nào để sơn nhà cho gia đình

Theo tôi thì hầu hết các hãng sơn đều có chất lượng khá cao tuy nhiên để chọn được sơn chính hãng thì cũng không phải khó. Tuy nhiên nếu nhìn sơn mà biết chính hãng hay không thì lại rất khó. Để phân biệt được thì thợ sơn là người làm trực tiếp sẽ cảm nhận được. Sơn là một phần rất quan trọng chính vì thế chúng ta cũng đừng quá chủ quan nhé.

Lưu ý đối với phần sơn chính là các bạn nên đảm bảo cho phần tường đủ khô thì chúng ta bắt đầu sơn. Để nhận biết được khi nào tường khô các bạn có thể thấy phần vữa trát của tường sẽ có màu trắng là đảm bảo đủ khô rồi. Thông thường chúng ta có thể trát xong khoảng 20-30 ngày thì tường sẽ khô và lúc đó chúng ta có thể làm được.

Kĩ thuật sơn thì tôi không nói nhưng nếu để biết đẹp hay không các bạn có thể nhìn bằng mắt thường có thể phân biệt được, bề mặt đều không có vết cộm do nhiều lớp sơn đè lên nhau. Để nhìn chuẩn xác nhất chúng ta có thể dùng đèn pin soi vào buổi tối sẽ nhìn thấy hết được các khuyết điểm của bề mặt sơn.

Phần cửa hoàn thiện

Nếu nói về cửa thì trên thị trường có rất nhiều loại tuy nhiên đa số bây giờ mọi người đều lựa chọn các loại cửa nhôm kính để sử dụng với rất nhiều lí do như sau:

Ưu điểm của cửa nhôm kính

  • Giá cả rẻ
  • Thi công nhanh
  • Bền màu theo thời gian
  • Phù hợp với phong cách hiện đại bây giờ
  • Mẫu mã đa dạng, hiện đại
  • Không có sự sai lệch về màu sắc

Cửa nhôm kính có thể mang lại rất nhiều giá trị kinh tế và có tuổi thọ và chống chịu tốt với thời tiết. Nếu các bạn làm cửa nhôm kính Việt Pháp trên thị trường có giá từ 1.4-1.6 triệu/1m2 nhưng nếu các bạn lựa chọn cửa đi, cửa sổ bằng gỗ lim thì giá có thể từ 2.5-3 triệu/1m2 hoàn thiện, đó là chưa kể khi làm cửa gỗ chúng ta còn phải tính thêm giá hoàn thiện cả khuôn nữa. Cửa đi bằng gỗ không chỉ đắt mà không thể chịu được thời tiết nắng mưa như cửa nhôm kính. Bởi vì cửa đi thường được sơn bằng sơn PU mà sơn PU thì dễ bị phân hủy, không bền màu bởi các tia cực tím được phát ra từ mặt trời. Chính vì thế đối với các loại cửa đi, cửa sổ nếu để ngoài trời thì chỉ khoảng 1.2 năm toàn bộ phần cửa sẽ bạc màu và rất xấu. Vì thế chỉ sau vài năm các bạn sẽ phải sơn lại làm mất tổng thể, thẩm mỹ của căn nhà. Hiện nay hầu hết mọi người đều sử dụng các loại cửa nhôm kính rất đa dạng trên thị trường và tôi xin giới thiệu tới các bạn một vài loại cửa nhôm kính có sẵn trên thị trường hiện nay như sau:

  • Cửa nhôm kính Việt Pháp: Giá từ 1.4 – 1.6 triệu/1 m2
  • Cửa nhôm kính Xingfa: Giá từ 1.8 – 2.2 triệu/1m2
  • Cửa nhôm kính Eurowindow: 2 – 7 triệu/1m2

Ngoài ra còn có rất nhiều các loại cửa nhôm kính có trên thị trường mà mỗi vùng đều có. Vì thế nếu các bạn cần tìm hiểu có thể tìm hiểu tại khu vực của mình nhé.

Hoàn thiện trần thạch cao

Phần thạch cao có thể nói rằng đây là phần hoàn thiện nội thất bên trong nhà, hiện tại thị trường trần thạch cao rất phát triển bởi tính ứng dụng, đa dạng về mẫu mã kiểu dáng của các tấm trần này. Trên thị trường có rất nhiều loại trần nhưng nếu nói về đẹp nhất thì tôi xin nói chỉ có các tấm trần thạch cao mà thôi. Đây cũng là một phần lưu ý khi xây nhà rất quan trọng để quyết định mức hoàn thiện đẹp cho căn nhà của bạn.

Các loại trần trên thị trường

  • Trần thạch cao
  • Trần nhựa
  • Trần nhôm
  • Trần gỗ

Mỗi loại trần đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau và các bạn có thể tìm hiểu để tham khảo. Nếu chúng ta cùng phân tích ra đây thì sẽ có rất nhiều vấn đề có thể nói và bài viết sẽ quá dài các bạn sẽ không có nhiều thời gian đọc. Vì thế quyết định sử dụng loại nào sẽ là do các bạn lựa chọn nhé.

Phan-hoan-thien-nha-tran-thach-cao-va-noi-that
Lưu ý khi xây nhà – Phần hoàn thiện nhà, trần thạch cao và nội thất

Lưu ý khi xây nhà tới vật liệu ngói hoàn thiện

Trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm ngói và tôi cũng đã có một bài viết giới thiệu về các loại ngói trên thị trường. Các bạn có thể tham khảo bài viết về các loại ngói này tại đây nhé: Các loại ngói lợp nhà hiện nay

Như vậy là cơ bản phần II giới thiệu với các bạn cũng đã hoàn thiện trong bài viết lưu ý khi xây nhà dành cho những người mới. Bài viết này tôi hi vọng sẽ chia sẻ và giúp đỡ các bạn phần nào trong việc thi công nhà của mình. Tất nhiên bài viết vẫn còn khá sơ sài với lí do khi viết cũng không thể nhớ hết được tất cả các vấn đề được. Chính vì thế các bạn có đóng góp hay có thắc mắc gì các bạn có thể để lại bình luận ở cuối bài viết. Mình sẽ giải đáp và bổ sung cho các bạn cùng tham khảo nhé.

Bạn có thể tham khảo thêm 1 số bài viết khác của chúng tôi qua đường link dưới đây:


Bài viết liên quan

Cách tính độ dốc trong xây dựng, cách tính độ dốc mái ngói

Chào các bạn, khi đi thi công trong công trình xây dựng mình gặp được 1 vấn đề chính là cách hiểu của các bác...

Xây tường 1m vuông bao nhiêu viên gạch?

Chào các bạn, câu hỏi về 1m2 tường xây hết bao nhiêu viên gạch thoạt đầu nghe có vẻ khá đơn giản. Thực ra vấn đề...

Phòng ngủ master là gì? 9 nguyên tắc khi bố trí nội thất phòng ngủ năm 2022

Phòng ngủ master là gì? Phòng ngủ như thế nào là phòng ngủ master? Tại sao cần bố trí nội thất phòng ngủ. Tham khảo...

Hướng dẫn cách tính giá xây nhà mới nhất

Chào các bạn, để có được một bài viết hướng dẫn về cách tính giá xây nhà có lẽ sẽ là một bài viết với...

Một số cách chống thấm trần nhà, dột trần nhà hiện nay

Cách chống thấm trần nhà là một trong những vấn đề khiến nhiều gia đình đau đầu mỗi khi tới mùa mưa. Trần nhà bị...

“Cải tạo phong cách sống” nhờ phối màu sơn nhà đẹp cho tổ ấm

Con người đang ngày ngày làm việc giúp cuộc sống tốt đẹp hơn bởi chỉ có lao động hiệu quả mới tạo ra thành quả...

Bài viết được quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Last modified on Tháng Chín 3rd, 2023 at 10:20 chiều